Phụng vụ Lời Chúa Tuần 5 Phục Sinh

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Như thường lệ chúng ta trước hết hãy theo dõi bài suy niệm và chia sẻ CN 5 Phục Sinh cho Tuần 5 Phục Sinh của Đức TGM Ngô Quang Kiệt,
sau đó chúng ta tiếp tục với toàn bộ PVLC kèm theo các bài chia sẻ cùng hạnh các thánh ở những đường kết nối từng ngày trong tuần.
YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA
I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA
- Cv 14,21b-27
- Kh 21,1-5a
Ga 13,31-33a.34-35
II. SUY NIỆM
Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi cao để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.
Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.
Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Người”.
Nhận được lời giải đáp, Cha Bề trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu thế.
Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.
Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô, có lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên chúa, chiếu toả sức sống của Thiên chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên chúa.
Yêu thương nhau đó là giới răn mới của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Thiên chúa muốn các môn đệ của Người phải yêu nhau như Thiên chúa đã yêu.
Yêu như Thiên chúa nghĩa là phải hi sinh quên mình, hạ mình phục vụ anh em. Yêu như Thiên chúa nghĩa là phải yêu những người bé nhỏ nghèo hèn. Yêu như Thiên chúa là phải yêu thương cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa. Yêu như Thiên chúa là phải không ngừng tha thứ, làm hoà với nhau.
Yêu như Thiên chúa đó là sức sống của Giáo hội. Yêu như Thiên chúa làm nên nét đẹp của đạo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên chúa. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con.
III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1- Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương?
2- Bạn đã có tình yêu thương đoàn kết với những anh chị em trong Giáo xứ chưa?
3- Yêu thương như Chúa là yêu thương theo cảm tính hay theo lý trí? Tuần này, bạn sẽ làm gì để thực hiện điều răn mới của Chúa?
 Tuần V Phục Sinh
 (xin bấm vào hàng chữ trên đây để theo dõi các bài chia sẻ PVLC
và hạnh thánh trong tuần, nêu cần)
Chúa Nhật
Vinh hiển Vượt Qua
- https://youtube.com/live/8ywy2aqDLIo
PS.CNV-C.mp3 / 
https://youtu.be/CuI0XkzA4iQ
Trong Tuần
PS.V-2.mp3
PS.V-3.mp3
 ThanhBenadinoSienna.mp3 / 
https://youtu.be/JBCSuaMUhRk (20/5)
PS.V-4.mp3
PS.V-5.mp3
ThanhRitaCascia-phan1.mp3 + ThanhRitaCascia-phan2.mp3 
https://youtu.be/X-6Y9YL0BRo (22/5)
ThanhRita.3.mp3 & ThanhRita-4.mp3 & ThanhRita-5.mp3 
https://youtu.be/UbdqBG42xyA
PS.V-6.mp3
PS.V-7.mp3

0

Suy Nghiệm Lời Chúa

Đề tài "Thày là sự sống" cho Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh Năm C ở đây có thể nói là mối liên hệ thần linh nơi Giáo Hội Chúa Kitô, một mối liên hệ được gắn bó và thể hiện bằng một đức ái trọn hảo "như Thày đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau", một đức ái trọn hảo chẳng những kết hợp nội bộ mà còn là yếu tố chính yếu bất khả thiếu của chung Giáo Hội cũng như của riêng Kitô hữu trong sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô, để nhờ đó thế gian có thể nhận biết Chúa Kitô hầu trở về với Người mà được cứu độ: "Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". 

Sách Tông Vụ ở Bài Đọc 1 hôm nay đã cho thấy sự phát triển của Giáo Hội vào lúc ban đầu, một sự kiện phát triển sẽ không thể nào xẩy ra nếu các vị tông đồ thừa sai chia rẽ nhau, không đoàn kết yêu thương nhau, nghĩa là không có sự sống của Chúa Kitô nơi các vị, một sự sống viên mãn, một đức ái trọn hảo, đối với nhau cũng như đối với những ai được Thiên Chúa đưa đến cùng các vị: 

"Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: 'Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa'. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo. Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin". 

Đúng thế, "giới răn mới" là một trong 3 điều chính yếu, (cùng với Bí Tích Thánh Thể và Thiên Chức Linh Mục), Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội của Người qua các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên, đối với "giới răn mới" này, Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội của Người như là một di chúc, một thứ trăn trối của một vị Thày chẳng bao lâu nữa sẽ không còn trực tiếp ở với Giáo Hội của Người. Bởi thế Người mới nói: "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau". Như thế có nghĩa là "Thày ở cùng các con cho tới tận thế" (Mathêu 28:20) khi các con yêu thương nhau: "Ở đâu có 2-3 người họp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Mathêu 18:20). - "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời - Ubi caritas et amor, Deus ibi est". 

Thật vậy, đức ái trọn hảo của Giáo Hội là tất cả những gì chứng thực quyền năng phục sinh của Chúa Kitô, Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết gây ra bởi những gì là vị kỷ, hận thù, ghen ghét, chia rẽ, phá hoại, một đức ái trọn hảo phản ảnh một tình "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1) của Đấng chẳng những  "hiến mạng sống mình vì người yêu" (Gioan 15:13), mà còn yêu cả kẻ thù mình: "Xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Có thể nói đức ái trọn hảo của Giáo Hội và nơi Giáo Hội "như Thày đã yêu thương các con" đây chính là "sự sống viên mãn" (Gioan 10:10) Chúa Kitô Chủ Chiên nhân lành đã ban cho đàn chiên Giáo Hội của Người. 

Và phải chăng đó là tất cả ý nghĩa liên quan đến "vinh hiển" trong lời Chúa Kitô đã khẳng định ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển". Chúng ta có thể phân tích câu Chúa Kitô nói này thứ tự như sau: 

"Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người": "Bây giờ Con Người được vinh hiển" đây là lúc nào, phải chăng vào chính "khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán" về vinh hiển của Người. Có nghĩa là đã đến giờ khổ giá và tử nạn của Người theo đúng dự án cứu độ của Cha Người, để nhờ đó Cha Người là Đấng đã sai Người nhờ Người mà tỏ hết tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài ra. "Con Người được vinh hiển" đây là được chịu khổ giá và tử nạn để làm cho "Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người" ở chỗ làm cho thế gian nói chung và Giáo Hội nói riêng thấy được dung nhan thương xót của "Cha là Đấng xót thương" (Luca 6:36). 

"Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài. "Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài" ở chỗ nào, nếu không phải là Ngài đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết: "Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa"." (Philiphe 2:9-11). 

"Và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển": Thiên Chúa chẳng những "đã" làm "cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài", khi làm cho Người sống lại từ trong kẻ chết mà còn "sẽ" làm "cho Người được vinh hiển" nữa. Nếu không phải ở chỗ làm cho Người được tỏ hiện nơi đức ái trọn hảo của Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người, cho đến khi Người hoàn toàn tỏ rạng nơi Giáo Hội của Người, một Giáo Hội, cuối cùng, như Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 2 hôm nay cho thấy như một: "Thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình". 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có câu họa chung là: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời". "Danh Chúa" đây là ở chỗ "Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa" (câu xướng 1). Bởi thế cho nên "mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài" (câu xướng 2). Cũng thế, "con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ" (câu xướng3).